- Tư vấn huyền học
- Shop phong thủy
- Tour Tâm linh
- KIẾN THỨC
- RAO VẶT
- HỖ TRỢ
- DỊCH VỤ MỆNH LÝ
Đất nước Việt Nam có nhiều truyền thống tốt đẹp, đặc biệt trong đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn. Cứ đến dịp đầu năm mới, người dân Việt Nam lại nô nức tham gia những lễ hội truyền thống khắp cả nước với những nét văn hóa độc đáo. Dưới đây là những lễ hội đầu năm lớn ở Miền Bắc nước ta, cũng là những địa điểm tâm linh hết sức linh thiêng mà nhân dân đều mong mỏi được đến tham quan, chiêm bái.
Chùa Hương là quần thể di tích linh thiêng gồm nhiều đền chùa hang động, phong thủy núi non sông nước hùng vĩ. Nhân dân hàng năm nô nức tới đây bởi lễ hội đầu năm này được xem hành trình về một miền đất Phật - nơi Quan Thế Âm Bồ Tát ứng hiện tu hành. Đây có thể được xem là lễ hội chùa chiền lớn nhất cả nước dịp đầu năm về số lượng các phật tử tham gia hành hương. Lễ hội được tổ chức từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch.
Điểm đặc biệt của thắng tích này còn chính là con đường vào hết sức thơ mộng, tựa như tiên cảnh khi đi đò trên dòng suối Yến tuyệt đẹp tựa như đang vãng cảnh lạc vào nơi tiên cõi Phật. Lúc này, con người được hòa nhập vào núi vãn cảnh chùa chiền và bắt đầu hành trình mới - hành trình leo núi. Leo núi chơi hang, chơi động.
Lễ hội diễn ra vào ngày mùng 5 Tết, Hội Gò Đống Đa là lễ hội đầu năm truyền thống và đã trở thành quốc lễ của nước ta.
Năm 1789, với chiến thắng Đống Đa vang danh lịch sử và để tưởng nhớ chiến công lẫy lừng của vua Quang Trung, nhân dân cả nước đã lấy ngày mồng 5 tết hàng năm để tổ chức Lễ Hội Gò Đống Đa.Trong ngày hội có nhiều trò chơi vui khoẻ, thể hiện rõ tinh thần thượng võ.
Nhân dân còn sang lễ tại Chùa Đồng Quang gần gò Đống Đa tham dự lễ lễ cầu siêu, dâng hương tưởng nhớ công ơn của những anh hùng, nghĩa sĩ đã vì dân, vì nước và thể hiện đạo lý nhân ái của dân tộc ta trước những vong linh đã bỏ xác tại Gò năm đó.
Đền Trần Nam Định là nơi thờ tự các vua Trần và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Lễ hội đầu năm diễn ra trong 3 ngày từ 13 đến 15 tháng Giêng hàng năm. Đây là thời điểm linh thiêng để tri ân công đức của các vị vua Trần. Hội sẽ được bắt đầu với lễ khai ấn, diễn ra vào giờ Tý và ấn được phát tại 3 nhà: nhà trưng bày đền Trùng Hoa, nhà Giải Vũ và một điểm trong khu vực vườn cây thuộc đền Trần.
Lễ hội đầu năm Khai Ấn Đền Trần những năm gần đây thu hút rất nhiều du khách thập phương với mong muốn một năm mới phát tài, thành đạt. Đây là sự hồi ảnh của tập tục cổ.
Núi thiêng Yên Tử là nơi tín ngưỡng tâm linh của rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Yên Tử chính là nơi bắt nguồn của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và cũng là trung tâm Phật Giáo Việt Nam. Ngoài ra còn có hệ thống các chùa xung quanh rất linh thiêng.
Bắt đầu từ ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm và kéo dài đến tận tháng 3 âm lịch sẽ diễn ra lễ hội đầu năm tại Yên Tử. Du khách có thể tới Yên Tử để tham quan ngôi chùa bằng đồng ấn tượng nằm trên đỉnh núi và du xuân vãn cảnh, thưởng ngoạn tiết trời xuân và cầu bình an, may mắn cho bản thân và gia đình.
Trước đây lên Yên Tử rất khó khăn uốn lượn, gập ghềnh, luồn dưới những bóng cây đại thụ, xuyên qua những vạt rừng thông, trúc và được ví như một cuộc thử thách đức tin, kiểm chứng lòng thành với Phật. Ngày nay đã có hình thức cáp treo giúp mọi người có thể tham quan chiêm bái trong 1 ngày. Điểm đến cuối cùng cũng là cao nhất tức chùa Ðồng cũng là nơi mãn nguyện nhất của hành trình như đến được cội nguồn cõi Phật. Phật tử có thể tham quan chốn đào viên để Tiên, Phật đánh cờ, luận đàm kinh kệ, truyền cho các bậc hiền triết của trần gian.
Ngày nay, Khu Di Tích Đền Hùng tọa lạc trên núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Hằng năm, nơi đây thu hút rất nhiều khách du lịch từ khắp cả nơi trong cả nước tới thăm và chiêm bái, nhưng đông đúc và tấp nập nhất vào mỗi độ tết đến xuân về, mặc dù Lễ hội Đền Hùng dịp Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức từ ngày 8 - 10/3 âm lịch nhưng từ tháng giêng đã đón rất nhiều khách thập phương đến đây du xuấn. Bên cạnh đó, lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như hát xoan, thi đấu vật, thi bơi, thi kéo co …
Được mệnh danh là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, với lối kiến trúc độc đáo, Chùa Keo (thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) là điểm đến tâm linh đầu năm linh thiêng.
Lễ hội được tổ chức vào hai kỳ trong một năm: Hội xuân được tổ chức vào ngày 4 Tết Nguyên Đán và Hội thu được tổ chức từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 9 âm lịch. Hội vui xuân chùa Keo xưa, ngoài lễ Phật là các cuộc đua tài giải trí gắn với sinh hoạt của cư dân nông nghiệp, trong đó, đáng chú ý là ba trò thi: Bắt vịt, nấu cơm và ném pháo.
Nơi đây thờ thiền sư Không Lộ, theo xuân thu nhị kỳ với huyền tích hết sức linh thiêng.
Đây là một lễ hội không thể bỏ qua tại miền Bắc Việt Nam vào dịp đầu xuân năm mới. Hội Phủ Dầy được tổ chức hàng năm vào ngày 3 tháng 3 âm lịch nhằm tổ chức nghi lễ, thắp hương biết ơn Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Nhưng mọi người có thể kết hợp với Hội chợ Viềng diễn ra vào mùng 8 tháng giêng âm lịch hàng năm tại Xã Kim Thái, huyện Vụ Bản và thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định trong chuyến đi đến Phủ Dày này.
Du khách còn có thể tìm thấy ở đây những bộ tế khí, những chiếc lư hương bằng đồng, cùng trăm vật dụng linh tinh khác. Lễ hội đầu năm Chợ Viềng - Phủ Dày chính là nơi đón chuyến xuất hành đầu xuân của khách thập phương về “mua may bán rủi”. Hàng năm, cứ đến khoảng mùng 7 tháng Giêng, du khách từ 3 miền lại nườm nượp đổ về đây.
Đây là lễ hội đầu năm nổi tiếng ở Tỉnh Bắc Ninh, nơi đây mệnh danh là vùng Kinh Bắc - một trong những cái nôi của văn hóa tinh hoa. Chính hội của Hội Lim được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Hội Lim được coi là nét kết tinh độc đáo của vùng văn hóa Kinh Bắc. Quý vị ngoài tới chùa Lim – nơi thờ ông Hiếu Trung Hầu – người sáng lập tục hát Quan họ, còn có thể kết hợp tham quan chiêm bái Cụm di tích linh thiêng tại Bắc Ninh như Đền Đô khi đến hội.
Lễ hội có các hoạt động văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh đặc biệt của vùng quê Bắc Ninh - mảnh đất có nhiều lễ hội dân gian. Du khách được nghe các làn điệu Quan Họ từ Liền anh, Liền chị vối lối hát hát giao duyên, thể hiện giọng ca và truyền thống quan họ rất riêng ở Bắc Ninh. Ngoài ra, tại lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian như: đấu võ, đấu vật, đấu cờ, thi dệt cửi, nấu cơm,...
Dịp đầu xuân năm mới, đừng bỏ lỡ nơi linh thiêng nhằm xin tài lộc là Lễ hội Bà chúa Kho. Hội diễn ra ở Đền bà chúa Kho nằm tại làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Ngày khai hội vào ngày 14 tháng Giêng và kéo dài cho đến hết tháng. Lễ hội có tục dâng hương, khấn vay tiền Bà Chúa (tượng trưng) “cầu tài phát lộc”. Đầu năm đi xin lộc, cuối năm trả lễ bà chúa Kho đã trở thành một phong tục tồn tại lâu đời của người Việt Nam.
Khi đi chiêm bái và tham quan các điểm du lịch tâm linh trong dịp năm mới xuân Nhâm Dần, rất nhiều cá nhân và gia đình sẽ lựa chọn cho mình hình thức đi lễ tự túc để có thể tự do và thoải mái nhất. Mặc dù du xuân lễ hội đầu năm tại Miền Bắc đi lại dễ dàng nhưng nếu chưa quen đường thì có thể lựa chọn các dịch vụ được cung cấp bởi các công ty du lịch. Việc đi theo tour sẽ giúp du khách chẳng phải đau đầu tìm hiểu lịch trình, phương tiện đi lại,… và tiết kiệm chi phí. Quý vị có thể chọn tour chọn gói trong ngày hoặc kết hợp danh thắng khác để chuyến du xuân đầu năm được thêm ý nghĩa.
Theo khảo sát, hiện tại một số công ty lữ hành đang đẩy mạnh khai thác tour lễ hội đầu năm... Huyền Học Việt Nam thống kê khảo sát mức giá áp dụng ưu đãi dành riêng cho khách đoàn từ 10 - 30 khách trở lên, từ 360.000 - 550.000 đồng (giá này đã bao gồm xe đưa đón, vé thăm theo chương trình, bữa ăn...) với một hành trình.
Để kích cầu lượng khách đăng ký theo đoàn, các công ty triển khai chính sách ưu đãi với những gia đình có con nhỏ, giá tour được tính cho bé từ 5 - 10 tuổi trở lên, dưới 5 tuổi được miễn phí./. Quý vị hoàn toàn có thể tự tra cứu và tìm kiếm được nhà cung cấp tour hành hương tâm linh Đền Hùng uy tín tại ĐẶT TOUR TÂM LINH.
Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Theo đó, lễ hội đầu năm 2022 đa số đều hoãn hoặc cắt giảm. Có nơi chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội. Chính vì vậy, du khách nên đi hành hương từ tháng Giêng và tránh tụ tập quá đông cũng như đảm bảo 5k để xuân mới Nhâm Dần được trọn vẹn. Thay vì tham dự lễ hội có thể đi thăm quan cảnh sắc, dành nhiều thời gian để thư thái tâm hồn ở những địa chỉ linh thiêng trên.
Tham gia hành hương về cội nguồn lễ hội đầu năm là khẳng định đạo lý uống nước nhớ nguồn, niềm tự hào dân tộc, ca ngợi sự hưng thịnh của nòi giống, là biểu tượng của tinh thần cộng đồng. Đây là một tín ngưỡng đã ăn sâu vào tâm thức người Việt Nam cho dù họ sống ở bất cứ phương trời nào. Chúc quý vị có nhiều kỷ niệm đẹp bên gia đình và người thân trong dịp đầu xuân năm mới Nhâm Dần 2022.