Địa chỉ: Tòa nhà 124 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội.

Hotline/Zalo trợ lý: 0943311873

Tài Liệu Cổ Học

Quốc văn chu dịch diễn giải-Phan Bội Châu

Viết về Kinh Dịch – một trong ngũ kinh của Nho gia, tiêu biểu nhất cho trí tuệ phương Đông –, sau cụ Sào Nam còn có các tên tuổi lớn khác như Ngô Tất Tố và sau này là Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần… – họ đã đóng góp những lý giải sâu sắc trong việc tìm hiểu Dịch lý. Dù vậy thì Chu Dịch của cụ Sào Nam vẫn là công trình có quy mô chuyên sâu, được giới học thuật thường nhắc đến. Với vốn nho học uyên thâm, thêm vào đó là sự chiêm nghiệm đầy lịch lãm về lịch sử và thời cuộc của tác giả, bộ Chu Dịch này dường như đã thoát ra cái vẻ cổ kính điển phần của nó để mang lấy một hơi thở hiện đại, một cái nhìn giàu chất cách tân về những đơn quái, trùng quái, soán từ, hệ từ… đầy màu sắc thần bí trong Dịch lý – một nguyên lý quan trọng đã chi phối hệ tư tưởng suốt mấy ngàn năm trong xã hội Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản,…

Và cuối cùng, để nói về giá trị công trình học thuật này của cụ Sào Nam, xin trích dẫn lại đây lời vàng ngọc của cụ Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng ghi trong Lời giới thiệu đầu sách: “Ký giả có một người bạn tinh thâm Hán học trên 20 năm du lịch nước Nhật, nước Tàu, cùng học giả Đông Tây giao thiệp cũng nhiều, nay tuổi già không muốn chen mình vào cuộc đời đáng chán này, xoay lại đóng cửa đọc sách, làm bạn cùng mấy bậc danh triết đời xưa. Trong lúc thong thả, nhân xem bản Chu Dịch dịch ra quốc văn, lấy tư tưởng cao thượng dung hợp, mà giải thích theo lối vũ trụ quan, nhân sinh quan, phát triển được nhiều điều tinh diệu và thích hợp với lẽ tiến hóa. Thuở lai, nhiều người xem bộ Chu Dịch như thứ sách chỉ dùng về việc bói, việc số, đã không có ích gì cho đời, mà lại dẫn người đời vào cõi mê tín. Nay có bản sách này, không khác gì dọn gai gốc mà thấy đường bằng, vẹt mây mà thấy mặt trời, làm cho chân tướng của triết học bị che lấp mấy trăm đời, nay được bày tỏ một cách sáng suốt, giá trị của bản sách này không phải là ít.”

PHÁT ĐOAN TỪ

Triết học Đông Phương xưa nay có ba nhà:

Một là: Phật học

Hai là: Dịch học

Ba là: Lão học

Nhưng Phật học thời lí tưởng quá cao, mà quy kết về xuất thế.

Lão học thời vẫn một nhà nhập thế, nhưng quá trọng về đường thuật số mà cũng không thể thông dụng được ở nhân gian.

Chúng ta tham khảo chiết trung ở trong các nhà triết học Đông phương, vừa tinh vi, vừa thiết thực, vừa thấu lí vừa thích dụng, thời chẳng gì bằng Dịch học.

Lòng ưu thì mẫn thế gốc ở một tấm lòng từ bi thời Dịch chẳng khác gì Phật; tùy thì, thức thế đủ trăm đường biến hóa, thời Dịch có lẽ hay hơn Lão.

Thầy Thiệu Khang Tiết có nói rằng: “Trương Tử Phòng đắc Lão chi dụng, Mạnh Kha đắc Dịch chi dụng”, nghĩa là: Ông Trương Tử Phòng thời được cái đại dụng của Lão; thầy Mạnh Kha thời được cái đại dụng của Dịch.

Thầy Lục Tượng Sơn, thầy Vương Dương Minh thời đã tinh thông Dịch học mà học thuyết lại thường cận tự Phật học. Vậy mới biết rằng đã nghiên cứu Dịch học, thời Phật học, Lão học cũng có thể nhất dĩ quán chi.

Gần nay Âu Châu triết học thịnh hành, mà học giả nước Đức là ông Uy Lệ Hiên vào xứ Thanh Đảo nước Trung Hoa mời thầy học Dịch, nghiên cứu hơn 20 năm, biến thành bản Đức Văn Chu Dịch, đưa về nước trình vua Đức, được Uy Liêm (Guìllaume II) thưởng cho Bác sĩ Học Vị. Bây giờ nhà văn học đại học nước Đức lấy sách ấy làm một bản chuyên môn giáo khoa.

Thanh niên học giả nước Đức chia làm hai phái:

  1. Lão phái

  2. Dịch phái

thảy chú trọng về Đông phương triết học.

Người Tây phương quý trọng triết học Đông phương đến như thế, cớ sao người nước ta sinh ở Đông phương lại dòng dõi con nhà Hán học mà nỡ bỏ Dịch học chẳng ai nhắc tới.

Phật trong nhà không cầu, đi cầu Thích Ca ngoài đường; trong túi mình có bảo châu mà ngửa tay xin người từ hạt gạo, thế chẳng là sự rất quái gở hay sao?

Bĩ nhân lúc trẻ theo đòi khoa cử, chẳng qua vì tầm chương trích cú, nhân đó mà thiệp liệp Kinh Dịch được hơn mười năm, nhưng kể đến nghĩa kín, lời sâu, thời chẳng qua một người đứng ngoài ngõ; ơn giời dạy bảo được vào trường trời dạy hơn hai mươi năm, sinh nhai về bể mặn đồng chưa, thầy bạn với non xanh nước biếc, mỗi khi u cư độc xử dem mấy pho Nhật Văn Hán Dịch ra xem, mới biết một nước phú cường ở Á Châu như nước Nhật Bản, mà sách Chu Dịch, Tôn Tử, Quản Tử, tất thảy phiên dịch làm Nhật văn, lại y nguyên văn đặt làm chuyên môn giáo khoa thư.

Ôi! Trông người lại ngẫm đến ta, trót 4.000 năm mà bản sách Chu Dịch chỉ là một bản sách làm ơn cho bọn thầy mù gỡ gạo và mấy chú văn sĩ muốn đồ chiếm áo mũ cân đai mà thôi, óc tinh vi huyền bí của bốn vị Thánh: Hi, Văn, Chu, Khổng văn cứu thì thiệp thế hơn 2.000 năm, chúng ta vẫn có trong nhà, mà xem bằng tờ giấy loại. Thế chẳng đáng tiếc lắm hay sao?

Bĩ nhân kể về Dịch học chẳng khác gì vỏ nghêu lường bể, trong ống dòm trời mà dám nói phát minh Dịch lí đâu. Chỉ vì nhất phiến khổ tâm, đau nỗi thiên thu tuyệt học. Ví như đồ ăn, thức uống, miệng mình đã biết là ngon, thời chẳng dám riêng làm mình có. Vậy mới phiên dịch bản sách này, nhan đề rằng:

Tri ngã, tội ngã, thời tùy lòng kẻ xem.
PHAN SÀO NAM

Xem và tải MIỄN PHÍ: Quốc văn chu dịch diễn giải - Phan Bội Châu

Các tin khác